Học thí công tìm cơm áo, chẳng ai chỉ bảo chỉ bắt chước mà làm. Điện giật ngày chục lần coi là chuyện thường. Ánh hàn hồ quang có thể làm mù mắt, họ coi là chuyện vớ vẩn. “Điếc không sợ súng như thế đó”, thân thể còn không biết lo thì nói chi đến hậu quả họ có thể gây ra cho xã hội. Cái đáng trách là những ông chủ sử dụng người không được đào tạo đàng hoàng

thợ hàn cửa sắt tại Thủ Đức


Sau cùng, nguyên nhân cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế tại TPHCM đã được xác định là do thợ hàn. Nhiều người đã không lên án họ gay gắt, mà chỉ trách vì tuổi đời, tuổi nghề còn quá ít. Ông Bùi Văn Tạo vừa là chủ vừa là thợ cơ sở hàn Minh Đức, đường Lý Thường Kiệt, quận 10 - TPHCM, bức xúc về vụ cháy trên: “Mấy thằng đó ẩu quá, nghề này rất nguy hiểm, phải luôn cảnh giác. Trước khi hàn phải ngó trước, ngó sau, thấy cái gì không an toàn phải xử lý ngay”. Đồng cảm, chúng tôi đã tìm đến những người thợ hàn để hiểu rõ thêm công việc hàng ngày mà họ phải đối mặt.

Có được nghề phải “thí công”


Anh Nguyễn Đức Tài, làm việc tại một tiệm hàn trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, cho biết hầu hết các thợ ở tiệm đều học nghề theo cách học lóm, làm thí công. Thấy thợ cả làm như thế nào thì để ý làm theo, nhưng phải kinh qua một thời gian dài mới được “giúp việc” cho thợ chính. Người mới vào nghề chỉ là người cho thợ chính sai vặt, chỉ được sơn sắt, bẻ sắt, cắt sắt. Ông Bùi Văn Tạo, có trên 20 năm trong nghề thợ hàn, cho biết ông phải mất 4 năm chỉ làm một việc là sơn sắt tại một tiệm hàn nơi học nghề trước đây. Thời đó chẳng có ai chỉ dẫn mình làm gì cả. Ông Tạo tâm sự: - Cái nghề này hiện nay bạc lắm chú ơi. Tôi là chủ cũng phải xắn tay vào làm vì hiện nay cạnh tranh nhau rất dữ, chẳng hạn như 1m2 cửa sắt trước đây có giá trên dưới 300.000 đồng, nay giá 200.000 đồng/m2 cũng phải làm”.

Anh Nguyễn Văn Mành quê ở Bến Tre, cơ sở hàn Hưng Phát, đường Hàm Tử, quận 5, cho biết nghề này cực như trâu, mặt mũi lấm lem suốt ngày, tay chân thì sần sùi và sẹo đầy mình. Suốt ngày phải tiếp xúc với sắt thép, mạt sắt, lửa hàn bắn vào người rất khó chịu. Đinh Thái Phi - 21 tuổi, quê ở Quảng Nam làm công tại cơ sở hàn Hoàng Mạnh, Thủ Đức - tâm sự: Cách nay 4 năm khi mới vào TP, nhờ người bạn giới thiệu với ông chủ tiệm hàn nhận vào học nghề, được chủ cho ăn cơm. Làm thí công gần một năm, được trả tiền công 300.000 đồng/tháng. Đến khi cầm được que hàn đã mất gần 2 năm. 3, 4 tháng đầu hai mắt nhức không chịu nổi, cắn răng mà làm, nếu không chủ sẽ đuổi để nhận người khác. Nước mắt cứ chảy liên tục, mắt sưng vù cũng ráng mà làm. Đến tối phải đắp nước đá vẫn không đỡ đau, ngủ không được. Khi mới biết hàn rất dễ làm hư đồ, bị chủ mắng chửi thậm tệ là chuyện thường ngày.

Miếng cơm, manh áo đổi bằng hiểm nguy


Em Hồ Văn Sử, 19 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, kể: Cách nay gần 2 năm thấy bạn bè ở quê vào TPHCM làm ăn, đứa nào khi về cũng đầy tiền trong túi, thế là Sử quyết định theo bạn bè vào TP. Đến nơi, trong túi cũng chẳng còn đồng nào. Trong đám bạn cùng quê có thằng đang phụ việc tại một tiệm hàn cho biết, xin học nghề thợ hàn sẽ được ăn ở tại chỗ. 5 ngày liên tục cuốc bộ tìm việc, cuối cùng một tiệm hàn trên đường Hậu Giang, quận 6 nhận vào. Sử phải làm suốt ngày từ 7 giờ sáng cho đến 6, 7 giờ tối nào là sơn cửa, chà giấy nhám, cắt sắt... Làm việc này chưa xong thì chủ bắt làm chuyện nọ, hết người này sai làm cái này, người khác lại bảo đến khuân sắt ra, xếp lại. Làm chậm một chút là bị chửi ngay, thậm chí còn bị hăm he đuổi cổ. Làm như vậy gần cả năm trời mà không học được nghề ngỗng gì. Cuối năm ngoái bên tiệm hàn của thằng bạn cần người phụ việc, Sử đã nhanh chân đến “tá túc” với tiền công 10.000 đồng/ngày và hiện nay là 20.000 đồng/ngày.

Sơn, 20 tuổi, quê ở Phan Rang, làm công tại cơ sở hàn Ngọc Phát, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 với tuổi nghề 4 năm, cho biết em định bỏ nghề không biết bao nhiêu lần, nhưng không biết nghề gì khác để làm. Hôm nào cũng vậy, khi buông que hàn ra là hoa cả mắt, không thấy gì hết, da mặt cứ bị lột liên tục. Tiền công 40.000 đồng/ngày, mỗi tháng phải trả tiền trọ hết 150.000 đồng, rồi tiền ăn kể như gần sạch túi.

Còn Nguyễn Hải Dương, 22 tuổi, quê Bình Định vào TPHCM làm thợ tại Bình Chánh một thời gian và sau cùng trụ lại tại Thủ Đức cho đến nay. Mới đây Dương đang mài bản lề cửa, dĩa mài bị bể văng ra chém rách quần, rách cả bao thuốc lá và cái hộp quẹt. Nếu không có những vật trên, không biết bây giờ Dương có còn ngồi đây với những que hàn luôn tóe lửa. Khi cắt sắt không cẩn thận dễ bị máy cuốn vào dĩa cưa xem như đi đứt bàn tay.

Thiếu kiến thức nên không biết sợ


Các thợ hàn mà chúng tôi đã tiếp xúc đều là dân ở tỉnh, học vấn chỉ từ lớp 4, lớp 6 trở xuống; có người không hề biết chữ. Sở dĩ họ không chịu học nghề tại các trung tâm dạy nghề ngoài lý do học vấn thấp, còn có nguyên nhân chính là học ở trung tâm phải đóng học phí, trong khi học nghề tại các tiệm được chủ cho ăn cơm, nếu làm được việc còn có tiền và khi thành thợ sẽ được ở lại làm với mức lương từ 20.000 đồng- 30.000 đồng/ngày, lên thợ chính sẽ được trả công từ 40.000 đồng- 60.000 đồng/ngày.

Em Hiếu, Tí quê ở Minh Hải đang làm công tại cơ sở hàn Gia Hương, Hàm Tử, quận 5. Hiếu 17 tuổi học lớp 6, Tí 15 tuổi học lớp 4 đang mài, hàn xẹt lửa như pháo hoa tại tiệm mà không có bóng dáng người thợ lớn tuổi nào trong tiệm. Hai em cho biết, làm nghề này đã 4 năm rồi, có chuyện gì xảy ra đâu mà sợ. Hiếu đang hàn cái khung cửa mà không hề đeo kính màu, hoặc che mắt bằng mặt nạ hàn chuyên dùng. “Các em có được ông chủ chỉ dẫn về cách sử dụng dụng cụ hàn sao cho an toàn, cũng như khi hàn phải có dụng cụ che mắt?. Chúng tôi hỏi. “Tụi này chỉ bắt chước thôi, thấy mấy ảnh làm sao thì làm theo, chứ có ai chỉ dẫn gì đâu”.

Cháy ầm ầm vẫn vô tư...


Khoảng 3 giờ chiều 6-11-2002, chúng tôi trú mưa tại một cơ sở hàn trên đường Lý Thường Kiệt. Vừa đặt chân xuống tấm cửa sắt gần một người thợ đang hàn thì bị điện giựt bắn cả người. Anh thợ hàn vừa cười vừa bảo: “Đụt mưa mà không chịu coi chỗ, nhè tiệm hàn mà vào, bộ muốn tìm cảm giác mạnh hả mấy cha!”. Và anh này cho biết thêm, đồ sắt để tứ tung cho nên nó “mát” bị điện giựt là chuyện thường. Bị giựt riết rồi quen, cũng chẳng có chết thằng tây nào đâu mà sợ. Ngó quanh tiệm mới thấy vô cùng bề bộn, sắt thép lan tràn, dây điện chằng chịt dưới nền nhà. Khi chúng tôi hỏi anh thợ hàn là sao không sợ cháy, nổ thì anh trả lời tỉnh bơ: “Làm gì có chuyện đó, ở đây toàn là sắt làm gì cháy nổi”.

... Chỉ có người nghèo, ít học mới làm nghề này. Lớp trước ra đi, lớp sau nhảy vào. Đa số đều trẻ tuổi, học nghề lem nhem lại thiếu kinh nghiệm rất dễ dẫn đến tai nạn.


70% thợ hàn là tay ngang


Hai phương pháp hàn đang phổ biến nhất là hàn gió đá và hàn hồ quang điện


Cho đến thời điểm này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị duy nhất trong cả nước đưa bộ môn hàn và công nghệ kim loại vào đào tạo ở bậc kỹ sư. Cho nên, các tỉnh, thành phía Nam đang có sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng kỹ sư thiết kế mối hàn. Tại nhiều công trình xây dựng dân dụng hiện nay, không có thợ hàn chuyên nghiệp. Tiến sĩ Lưu Phương Minh, Chủ nhiệm bộ môn Thiết bị và Công nghệ vật liệu Trường ĐH Bách khoa TPHCM, khẳng định: “Tay nghề của hầu hết công nhân ngành hàn hiện còn rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và an toàn lao động. Thực trạng này đã đến lúc cần báo động. Nên rà soát và quy hoạch lại hệ thống đào tạo nghề trong cả nước”.

Trường dạy nghề chờ người đến học


Mặc dù học viên tốt nghiệp ngành hàn, tiện, phay, bào của các trường nghề rất dễ có việc làm, đang được tuyển dụng rất nhiều, nhưng không ít trường dạy nghề đang thiếu học viên, phải kéo dài thời gian tuyển sinh để có đủ “quân số”. Theo Sở LĐ - TB - XH TPHCM, mỗi năm TP cần từ 2.000 – 3.000 công nhân hàn bậc 3/7 nhưng nhìn vào hiện trạng các trường dạy nghề thì điều này xem như bất khả thi. Do đó, thị trường lao động bắt buộc phải sử dụng thợ phổ thông, chưa qua đào tạo căn bản. Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Kỹ thuật Cao Thắng, giải thích: “Có hai nguyên nhân chính khiến học viên không mặn mòi với các môn học như hàn, tiện, phay..., đó là những môn học này không thuộc nhóm thời thượng; đa số học viên thiếu điều kiện học tập trong khi họ nhận thức được rằng, chỉ cần xin vào cơ sở hay tổ hợp, vừa học vừa làm cũng “sống” được”.

“Không có họ, chúng tôi lấy ai để làm!”


Trong chương trình đào tạo ở các trường nghề, tất cả các học viên đều được dạy và thực tập môn an toàn lao động. Theo ý kiến của các trường này, chuyện xử lý và khắc phục sự cố lao động yếu kém của thợ hàn hiện nay rơi vào thợ phổ thông là chủ yếu. Ông Trần Quốc Dũng cho rằng: “Trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động chưa qua đào tạo và bản thân người làm nghề”. Một cán bộ kỹ thuật Công ty Cơ khí Ô tô Sài Gòn (Samco) cũng đồng tình: “Hơn 70% thợ hàn bây giờ là “tay ngang”, làm việc thiếu cẩn trọng vì mang tâm lý: hễ có chuyện gì thì đã có chủ DN chịu. DN phải tạo ý thức trách nhiệm cao cho họ”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tam Sanh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Tam Sanh (KCN Lê Minh Xuân), trả lời: “Có ít DN sử dụng được “đầu ra” của các đơn vị đào tạo vì lượng công nhân lành nghề đâu có bao nhiêu. Còn thợ phổ thông thì nhiều và làm được việc. Không có họ, chúng tôi lấy ai mà làm”.

DƯƠNG QUANG
Nguồn: Long Giang / ndl.com.vn

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm